TƯ VẤN

VỆ SINH DA MẶT Ở BỆNH NHÂN MỤN TRỨNG CÁ

Mụn trứng cá thường khởi phát > 80%ở tuổi thanh thiếu niên- giai đoạn dễ bị tổn thương tâm lý nhất của mỗi con người. Nếu xem mụn trứng cá là một hiện tượng bình thường ở lứa tuổi này mà không điều trị sớm và chăm sóc da đúng cách thì mụn trứng cá có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên gương mặt. Mụn trứng cá và sẹo mụn có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, lòng tự trọng, thậm chí có thể gây trầm cảm.

Mục đích của điều trị mụn trứng cá là làm sạch mụn, ngăn ngừa tái phát, không để lại sẹo và tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người bệnh. Để đạt được mục đích điều trị, ngoài chế độ điều trị bằng thuốc thì vệ sinh da mặt đúng cách là một phần quan trọng, không thể thiếu trong quá trình điều trị. Tại Mỹ, mỗi năm chi phí cho điều trị mụn trứng cá ước tính vượt trên 1 tỷ đô la, trong đó chi cho các sản phẩm vệ sinh da mặt khoảng hơn 100 triệu đô la.

Tuy nhiên, vệ sinh da mặt như thế nào phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của người bệnh, sự lựa chọn loại xà phòng phù hợp, và cách thức rửa mặt như thế nào là tốt nhất.

Hầu hết những người bị mụn trứng cá tin rằng họ nên rửa mặt càng nhiều càng tốt vì họ luôn cảm thấy da nhờn, bẩn, lỗ chân lông rộng, các nhân mụn mở. Người bệnh cho rằng trứng cá là bệnh da nhiễm khuẩn dễ lây lan. Họ tin rằng rửa mặt là điều trị và niềm tin đó thường được củng cố bởi quảng cáo và các thông tin đại chúng. Một khảo sát về nhận thức của người bị trứng cá cho thấy: 29% cho rằng mụn trứng cá là do vệ sinh da kém, 18% cho là do nhiễm trùng, 61% nghĩ rằng bụi bẩn là 1 yếu tố làm nặng bệnh. Đáng ngạc nhiên là 25% sinh viên y khoa cho rằng vệ sinh da mặt kém là một yếu tố làm nặng bệnh. Những kiến thức này làm cho người bệnh tăng cường rửa mặt. Bên cạnh đó, các thuốc bôi điều trị mụn trứng cá như benzoyl peroxide, retinoid, sulfur, acid salicylic, kháng sinh tại chỗ, isotretinoin và các chất tẩy tế bào chết… đều làm khô và dễ gây kích ứng da. Rửa mặt thái quá có thể làm phá vỡ hàng rào bảo vệ da, tăng sự mất nước qua thượng bì, làm cho da thô ráp, dễ kích ứng, thậm chí có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng thứ phát, làm gia tăng sự xâm nhập của vi khuẩn. Những tác động tiêu cực này làm cho bệnh nhân không chịu được thuốc bôi tại chỗ và là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân không tuân thủ điều trị.

Mụn có thể xuất hiện ở tất cả các loại da và có thể cùng tồn tại với nhiều tình trạng da khác nhau như da khô, da nhờn, da nhạy cảm, chàm, trứng cá đỏ, viêm da tiết bã, tổn thương da do ánh sáng… Vì vậy thầy thuốc da liễu cần quan tâm đến các loại xà phòng rửa mặt phù hợp để đảm bảo rằng da được làm sạch mà không bị kích ứng hay bị tổn thương thêm.

Xà phòng rửa mặt chỉ nên loại bỏ chất nhờn trên da nếu bệnh nhân có da nhờn hoặc đem đến cho bệnh nhân cảm giác “sạch” da và có thể lưu lại một dư lượng chất nhờn nếu bệnh nhân không có da nhờn.

Xà phòng thông thường thường chứa các chất bề mặt, chất nhũ hóa- có tác dụng loại bỏ bụi bẩn, chất nhờn, vi sinh vật và các tế bào chết. Tuy nhiên, chúng thường phá vỡ hàng rào da, làm giảm khả năng giữ nước của da. Ngoài ra, chúng còn phá hủy các thành phần bảo vệ tự nhiên của da, làm tăng độ pH bề mặt da và gây kích ứng da. Vì vậy, xà phòng lý tưởng là loại có thể khắc phục các nhược điểm trên.

Các chất bề mặt hay các tác nhân bề mặt được cấu tạo bởi một đầu ưa nước và một đuôi ưa mỡ với các thuộc tính vừa có thể hấp thụ, vừa có thể tự lắp ráp. Chúng có thể có tính anion, cation hoặc không ion.

Các chất bề mặt anion như hầu hết các loại xà phòng thường được sử dụng trong làm sạch da nhờn. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là: không hòa tan được trong nước cứng, làm tăng độ pH da, gây khô và kích ứng da. Làm thay đổi pH da là điều không mong muốn vì đây là lớp áo bảo vệ da có tác dụng hạn chế sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn. Một số xà phòng trên thị trường mặc dù có thêm chất làm dịu (như glycerin, dầu hạnh nhân) nhưng vẫn gây khô da và làm giảm tương tác của da với các chất bề mặt.

Các chất bề mặt không ion thường làm suy yếu nhẹ hàng rào bảo vệ da.

Các chất bề mặt cation chủ yếu được sử dụng trong các sản phẩm cho tóc chứ không dùng trong các sản phẩm cho da.

Bệnh nhân mụn trứng cá nên dùng các xà phòng : “không chứa xà phòng”, “có tính acid” hoặc “cân bằng pH”, không chứa các chất bào mòn hay cồn và có độ kích ứng thấp.

Xà phòng cho da nhờn nhằm mục đích loại bỏ chất nhờn, làm giảm “tốc độ bóng nhờn da”, có thể sử dụng kiểm soát sự tăng tiết chất bã và hấp thu chất bã nhờn. Đối với những người có tình trạng da nhờn đơn thuần nên sử dụng xà phòng có tính nhạy cảm cao, không chứa chất giữ ẩm và thường có chất bề mặt anion. Chúng gồm xà phòng tạo cảm giác sạch giả tạo (không xà phòng hoặc chất tẩy rửa) và khả năng kích ứng thấp.

Đối với các loại da khác như da khô, da hỗn hợp, da nhạy cảm, trứng cá đỏ, da lão hóa, da tổn thương do nắng hoặc da của người hút thuốc lá thì các dung dịch làm sạch giữ ẩm không sinh mụn thường được khuyến nghị. Ngoài tác dụng loại bỏ tế bào chết, bụi bẩn và các mỹ phẩm trên da mà không làm khô da thì chất làm dịu da trong các xà phòng này có thể làm giảm sự tương tác giữa các chất bề mặt, lipid và phục hồi độ ẩm đã mất trong quá trình rửa mặt. Xà phòng có chứa kết hợp các chất bề mặt anion, lưỡng tính và các chất bề mặt không ion cùng với silicone là một sự lựa chọn an toàn cho mụn trứng cả ở tất cả các loại da nói trên. Các chất bề mặt không ion và chứa silicone là tốt nhất nếu bệnh nhân có da kích ứng vì chúng ít phá vỡ hàng rào bảo vệ da.

Dung dịch làm sáng da và rửa mặt có chứa chất làm dịu da để lại một lớp film mỏng trên bề mặt da là một lựa chọn tốt nhất cho da khô, da kích ứng và da rất nhạy cảm. Các sản phẩm dạng dung dịch và cream có chứa chất làm dịu da thường nhẹ dịu, ít kích ứng- rất thích hợp với da khô và da kích ứng.

Thuốc và chất tẩy tế bào chết như β hydroxyl acid, các tác nhân kháng khuẩn được sử dụng ở người khỏe mạnh, da nhờn- chúng không được khuyến cáo đối với da nhạy cảm, da khô da kích ứng hoặc ở những người bệnh có sử dụng retinoid, penzoyl peroxide.

Ngoài vùng mặt thì ngực, lưng và cổ là nơi mụn trứng cá có thể xuất hiện. Các loại xà phòng không sinh nhân mụn thường được khuyến cáo đối với những vùng da này.

Thời gian rửa mặt ở bệnh nhân mụn trứng cá nên là một lần vào buổi sáng nhằm loại bỏ các chất bã nhờn trên da và các thuốc bôi đêm hôm trước (đặc biệt là retinoid và các sản phẩm nhạy cảm ánh sáng) và một lần vào buổi tối để loại bỏ kem chống nắng và các mỹ phẩm khác để làm sạch da trước khi bôi các thuốc bôi buổi tối. Rửa mặt quá nhiều có thể làm tăng mụn trứng cá do kích ứng da và chỉ nên rửa mặt tối đa 2 lần mỗi ngày.

 ThS. BS. Phạm Thị Hoàng Bích Dịu  

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập