BỆNH HỌC

NẤM SÂU HISTOPLASMOSIS

 

1. Căn nguyên và dịch tễ

Bệnh nấm sâu Histoplasmosis được Darling phát hiện (1908) và mang tên bệnh Darling. Năm 1934, De Monbreun, Hansmann và Chenken phân lập và nuôi cấy được nấm gây bệnh đó là Histoplama capsulatum. Mắc bệnh do  do hít phải bào tử nấm vào phổi hoặc qua đường xây xước da. Nấm histoplasma capsulatum là loài nấm hai dạng, thấy trong đất đặt biệt là đất có phân gia cầm hay phân chim bồ câu hoặc dơi.

Bệnh mạn tính, thường gây viêm da, niêm mạc, gây viêm phổi, bệnh cũng thường gặp ở những người bị nhiễm HIV.

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, người có nguy cơ cao như: nông dân, công nhân xây dựng, trẻ em, ...Yếu tố nguy cơ nhiễm nấm lan tỏa là tình trạng suy giảm miễn dịch: nhiễm HIV, sau ghép tạng, u lympho, bệnh bạch cầu, hóa trị liệu, tuổi cao.

Bệnh thường gặp nhiều ở châu Mỹ và vùng Caribbean, châu Phi, Ấn Độ, Trung Đông.

2. Lâm sàng
Thường 90% người nhiễm nấm không có triệu chứng (giống như một nhiễm trùng thông thường và diễn tiến lan tràn vào máu đến các cơ quan.

Nhiễm nấm phổi
Triệu chứng lâm sàng trong cấp tính giống cúm: sốt, ho, đau ngực, khan tiếng, ho ra máu, đau khớp, sụt cân; Các tổn thương da (khoảng 15%) là biểu hiện phản ứng mẫn cảm với kháng nguyên Histoplasma: hồng ban nút, tổn thương giống hồng ban đa dạng, đỏ da.
X quang phổi: những vết nám trắng nhỏ đầy 2 phổi rất giống Lao kê. Có thể có hạch rốn phổi.

Không điều trị, bệnh diễn tiến theo 3 hướng:

- khỏi hoàn toàn không có di chứng

- khỏi nhưng 2 bên đáy phổi còn những đốm vôi hóa tròn, to bằng nút áo

- 0,2% nấm vào máu đi vào các cơ quan.

Thể phổi mãn tính: triệu chứng giống Lao: ho có đàm, đôi khi ho ra máu, sốt nhẹ; X quang phổi: có hang giống hang lao, thâm nhiễm ít ở đáy.

Nhiễm nấm da-niêm mạc
Histoplasmosis ở da: tổn thương gặp ở niêm mạc nhiều hơn ở da, tổn thương hồng ban hoại tử hoặc sẩn và cục tăng sừng, có thể gặp một số thương tổn khác như: dát đỏ, viêm nang lông, mụn mủ, dạng trứng cá, mảng sùi, viêm mô mỡ, loét mãn tính. Không ngứa, có thể có hạch.

Histoplasmosis ở niêm mạc: là tổn thương phổ biến (1/3 trường hợp). Biểu hiện cục, sùi, loét đau ở vòm mềm, hầu, mũi...

Nhiễm nấm xâm lấn lan tràn
Lan tràn vào các cơ quan khác như gan, lách (gan lách to), hệ lưới lympho (nổi hạch), tủy xương.

Triệu chứng: sốt, sụt cân, nổi hạch toàn thân. Tổn thương da: đa dạng, nốt, sẩn, sẩn nhỏ, sẩn tăng sừng, tổn thương giống u mềm lây, hồng ban hoại tử, dát hồng ban, mụn mủ, loét dạng acne, loét mạn tính, mảng sùi, viêm nang lông, viêm bì-hạ bì, tăng sắc tố lan tỏa, bệnh Addison thứ phát sau tổn thương tuyến thượng thận.

Trường hợp mãn tính: xảy ra sau nhiều tháng, nhiều năm ở các bệnh nhân nằm trong vùng dịch tễ. Dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất là loét miệng và hầu hoặc suy tuyến thượng thận. Loét ở miệng thường rộng, bờ không đều, mạn tính và ảnh hưởng đến lưỡi và niêm mạc miệng.

3. Cận lâm sàng
Soi tươi: nhuộm Wright hoặc nhuộm Giemsa, thấy những tế bào hạt men tương đối nhỏ (3-5µm) nằm trong hoặc ngoài tế bào.

Mô bệnh học: nhuộm HE và PAS, thường có 20-40 tế bào hạt men tương đối nhỏ, phát triển nội tế bào, bào tương bắt màu đậm hơn vì thế khu vực giữa bào tương với thành tế bào có một vòng sáng.

Nuôi cấy: môi trường Sabouraud ở nhiệt độ phòng, sau 1-4 tuần phát triển các khuẩn lạc màu trắng hoặc nâu nhạt, xốp. Xem dưới kính hiển vi: thấy một khối sáng gồm nhiều sợi nấm nhỏ có vách ngăn và các tiểu bào tử đính kích thước 3-5µm, các đại bào tử đính kích thước 10-20µm có thành dày, trơn. Hầu hết khối này thường có vô số những hạt nhỏ 2-3µm bao phủ.

Thử nghiệm huyết thanh: có giá trị lớn, dùng thuốc thử histoplasmin (+).

4. Chẩn đoán phân biệt
Lao kê, cryptoccosis, coccidioidomycois lan tỏa, blastomycosis, P.marneffei, nhiễm Leishmania, u lympho.

5. Điều trị
Nếu không đe dọa đến tính mạng và không dung nạp với Amphotericine B thì dùng Itraconazole 400 mg x 2 lần/ngày 12 tuần hoặc fluconazole 800 mg 1 lần/ngày x 12 tuần.

Nếu đe dọa tính mạng và viêm màng não thì dùng Amphotericine B tĩnh mạch liều đầu tiên nhỏ hơn 0,25 mg/kg trong glucose 5% truyền tĩnh mạch chậm, tăng dần liều tối đa 1mg/kg. Liều tổng cộng 2g điều trị 2 tháng.

HÌNH ẢNH NHIỄM NẤM

BS. Lương Trường Sơn.

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập