BỆNH HỌC

 

BỆNH LẬU
(Neisseria gonorrhoeae)
 
Bệnh lậu là một bệnh nhiễm trùng sinh mủ xảy ra bề mặt niêm mạc do vi sinh vật truyền qua đường tình dục, Neisseria gonorrhoeae. Hầu như bất kỳ niêm mạc nào của cơ thể người đều có thể bị lây nhiễm song cầu khuẩn gram âm này.

Nhiễm lậu cầu chủ yếu qua đường tình dục. Nhiễm trùng có thể liên quan đến viêm cổ tử cung, viêm trực tràng (proctitis), viêm niệu đạo, viêm vùng chậu và viêm họng (pharyngitis). Biến chứng hay gặp là thai ngoài tử cung và dễ nhiễm HIV.
 
Sinh lý bệnh
Lậu điển hình song cầu khuẩn hình hạt cà phê bắt màu Gram âm, nội sinh trong tế bào bạch cầu da nhân trung tính (BCĐNTT) thoái hóa. Lậu không điển hình vi khuẩn nằm rải rác trong và ngoài tế bào BCĐNTT.
Trong môi trường nuôi cấy, vi khuẩn lậu đa dạng, kích thước thay đổi và sắp xếp không điển hình, biến đổi theo điều kiện của môi trường nuôi cấy. Các môi trường nuôi cấy thường được sử dụng như Martin- Thayer, Martin- Lewis…, điều kiện nuôi cấy 3-10% CO2, nhiệt độ 35-370, độ ẩm 70%, pH 7,3.
Cấu trúc màng lậu cầu: phức tạp và đặc biệt cho từng type, kháng nguyên LPS là kháng nguyên ngoài màng nhưng có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh.
- Pili: dạng T1 và T2, Pili giúp lậu cầu bám vào tế bào, giúp trao đổi vật liệu di truyền giữa các chủng pili.
- Plasmid: có 3 dạng
Loại 1: Plasmid 24,5 Md có khả năng hoạt hóa các plasmid khác
Loại 2: Plasmid 2,6 Md chưa rõ chức năng.
Loại 3: Plasmid quy định sinh b-lactamase.
 
Dịch tễ:
Tần số: Trên thế giới có khoảng 200 triệu trường hợp bệnh lậu mới xảy ra mỗi năm. Tại Mỹ, nhiễm lậu vẫn là căn bệnh phổ biến thứ hai, hơn 350.000 trường hợp được báo cáo tại Hoa Kỳ trong năm 2007, nhưng số lượng chỉ là tảng băng nổi, tương đương 50% con số thật. Tỷ lệ các chủng kháng thuốc tại Mỹ đã tăng lên kể từ cuối những năm 1940. Tuy nhiên, nhiều chủng lậu kháng fluoroquinolone đã tăng lên nhanh chóng trong thập kỷ qua ở hầu hết các châu lục và tại Mỹ. CDC Mỹ báo cáo kháng fluoroquinolone 6,8% năm 2004, 9,4% năm 2005 và 13,3% năm 2006.
Chủng tộc: Không có sự khác biệt giữa các chủng tộc, ở Hoa Kỳ, bệnh phổ biến nhất trong số những người nghèo và dân tộc thiểu.
Giới:Nhiễm lậu cầu ở nam nhiều hơn nữ là 1,5 lần (chủ yếu nam giới có quan hệ tình dục đồng - MSM).
Tuổi: Nhiễm lậu cầu thường gặp nhất ở tuổi thanh thiếu niên.
Đường lây:
Người là môi trườngchủ duy nhất của lậu cầu. Lậu cầu tồn tại rất ngắn ngoài cơ thể người (khoảng 5 phút), nhiệt độ lạnh và khô vi khuẩn lậu chết nhanh. Tuy nhiên người ta có thể nuôi cấy được lậu từ nhà vệ sinh bị nhiễm số lượng lớn trong vòng 24 giờ (đây là quan điểm cổ điển về sự lây truyền qua tiếp xúc).
Lây truyền chính là do tiếp xúc trực tiếp qua đường niêm mạc với những người mắc bệnh lậu qua đường quan hệ tình dục, lậu mắt ở trẻ em lây qua tiếp xúc với bộ phận sinh dục người mẹ khi sinh.
Thời gian ủ bệnh: trung bình 3-7 ngày, nhiều nhất 3 tuần.
 
Nguyên nhân
Nhiễm lậu cầu thường xảy ra ở niêm mạc trong quan hệ tình dục qua bằng âm đạo, hậu môn hay miệng, hay cũng có thể qua ngón tay bị ô nhiễm hoặc dụng cụ khác.
Nhiễm trùng sơ sinh có thể theo kết mạc trong khi sinh hoặc nhiễm trùng trực tiếp qua da đầu tại các vị trí của điện cực theo dõi thai nhi.
Yếu tố nguy cơ
- Quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh mà không có dụng cụ bảo vệ
- Nhiều bạn tình
- Trẻ sơ sinh – được sinh qua đường sinh của mẹ bị nhiễm lậu.
- Trẻ em bị lạm dụng tình dục bởi một người bị bệnh.
- Sử dụng dụng cụ tử cung tránh thai
 
Lâm sàng
Bệnh lậu ở nam giới: thường gặp là viêm niệu đạo.
Cảm giác ngứa nhiều hoặc ít ở miệng sáo, các mép của miệng sáo trở nên tấy đỏ, dịch tiết ra ban đầu trong, sau trở thành đục, mủ vàng. Cảm giác nóng rát tăng thành đau buốt khi bệnh nhân đi tiểu, đau làm bệnh nhân sợ không dám tiểu. Sau giai đoạn này 15 ngày, nhiễm khuẩn lan rộng, bệnh nhân có triệu chứng đái khó, đái rắt, đái máu cuối dòng (“một tiếng kêu cha ba tiếng kêu chú”).
Giai đoạn viêm toàn bộ niệu đạo thì xuất hiện sốt, nhức đầu, mạch nhanh, mủ chảy ra nhiều, hạch bẹn sưng…cảm giác đau khi dương vật cương.
Trong trường hợp tái nhiễm, cảm giác đau dường như không còn nữa do tế bào lát không còn nhạy cảm, một số trường hợp niệu đạo căng cứng như dây thừng. Nếu không được điều trị thì sau 8 tuần bệnh chỉ còn triệu chứng giọt mủ ban mai và tăng lên khi làm nghiệm pháp tái kích thích. Mặc dù điều trị đúng, nhưng một số trường hợp tái nhiễm bệnh trở thành mạn tính dai dẳng dẫn đến viêm niệu đạo kéo dài do lậu cầu khu trú thành ổ nhỏ trong niệu đạo và gây tái phát. Viêm các tuyến khu trú cạnh dây hãm quy đầu khó nhận thấy trừ khi hình thành các túi nhỏ.
Viêm các ống, các tuyến cạnh miệng sáo, trong miệng sáo và cạnh niệu đạo. Viêm ngay trong niệu đạo các tuyến Litter. Viêm tuyến Cowper biểu hiện bằng đau tức tầng sinh môn kèm theo rối loạn tiểu.
Biến chứng của viêm niệu đạo thường gặp ở BN tái nhiễm hoặc khám muộn.
Viêm ống dẫn tinh và viêm mào tinh hoàn thường khởi phát đột ngột, đau tăng dần một bên tinh hoàn lan dọc theo thừng tinh, có thể có hoặc không kèm theo sốt. Có trường hợp mào tinh hoàn to lên và bao phủ tinh hoàn như vầng mũ. Sờ nắn có cảm giác đau ở đuôi tinh hoàn.
Viêm tiền liệt tuyến: biểu hiện cơ năng đau khi mót rặn, bí tiểu đại tiện cấp, co thắt cơ bàng quang.
Viêm túi tinh và ống phóng tinh: đái nhiều không kìm được, đái máu cuối bãi, đau khi cương dương và khi phóng tinh.
 
Bệnh lậu ở nữ:
Triệu chứng thường không điển hình, thầm lặng. Hiếm khi có triệu chứng lâm sàng cấp tính, thường gặp ở phụ nữ mới cưới. Triệu chứng là đái rắt, giao hợp đau, đau vùng xương chậu.
Khám thấy viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung, viêm âm hộ, âm đạo có khi viêm tuyến Bartholin, viêm niệu đạo và viêm tuyến Skene.
Lâm sàng thường đái khó, có cảm giác nóng rát khi tiểu, lỗ niệu đạo bình thường, ấn vào niệu đạo thấy có mủ.
Viêm cổ tử cung: đỏ chợt, phù, lộ tuyến hoặc có nang Naboth. Ở phụ nữ có thai viêm cổ tử cung có nhiều mủ.
Biến chứng:
Viêm niệu đạo và tuyến Skene ấn vào niệu đạo có mủ chảy ra.
Viêm tuyến Bartholine xuất hiện triệu chứng đau vùng âm hộ, tuyến sưng to ấn có mủ chảy ra từ lỗ tuyến, tuyến sưng to và tái phát nhiều lần.
Viêm quanh niệu đạo ít gặp.
Viêm bàng quang thường gặp khi đái khó.
Viêm âm hộ kéo dài, viêm nang lông, viêm phì đại tuyến âm hộ.
Viêm tử cung: viêm nội mạc tử cung ít gặp
Viêm phần phụ: vòi trứng.
Sinh dục nữ có nhiều ngõ ngách cho song cầu khuẩn cư trú, triệu chứng kín đáo, bệnh có thể tái phát và dễ làm lây bệnh cho người khác khi quan hệ tình dục.
 
Lậu mắt trẻ sơ sinh:
Viêm kết mạc mắt trẻ sơ sinh do lậu xuất hiện sau sinh 3 ngày. Thường xuất hiện cả hai mắt. Mi mắt trẻ biến dạng, phù nề, dính vào nhau, tiết nhiều mủ vàng xanh, kết mạc đỏ cương tụ và xuất huyết. Nếu không được điều trị có thể gây biến chứng loét thủng kết mạc, giác mạc có thể dẫn đến mù.
 
Viêm họng do lậu:
Do quan hệ tình dục bằng đường miệng, trên 80% trường hợp không có triệu chứng rõ rệt. Triệu chứng đau họng, khám họng viêm đỏ, viêm mủ, một số trường hợp có sốt, rét run. Một số ít có hạt trắng dưới niêm mạc. Một số trường hợp có mủ, loét nông niêm mạc họng, ban đầu ít sau tiết dịch nhiều, loét bờ bên lưỡi.
 
Viêm hậu môn- trực tràng do lậu:
Gặp ở người quan hệ đồng giới hay khác giới (có khi tự lây truyền).
Triệu chứng lâm sàng im lặng nhưng dễ lây.
Thể bán cấp: có ít triệu chứng cơ năng, có thể có cảm giác ngứa và khó chịu ở hậu môn, tiết dịch hậu môn có khi có máu. Soi trực tràng thấy mủ thành đảo hoặc thành sợi trên niêm mạc trực tràng đỏ đều. Hậu môn viêm rõ, niêm mạc đỏ cương tụ giống trĩ.
Thể cấp tính: đau, cảm giác nặng nóng rát ở hậu môn. Đau tăng lên khi ngồi lâu, đi nhiều hay đi đại tiện kèm theo cảm giác mót rặn và mủ vàng xanh ở hậu môn. Hậu môn cương tụ, các nếp gấp sưng to, có mủ trong các vết nứt loét.
 
Xét nghiệm:
Trực tiếp
Trực tiếp: áp dụng trong lậu cấp, bệnh phẩm là mủ niệu đạo hay dịch cổ tử cung.
Nuôi cấy : lậu mạn tính
Gián tiếp
Tìm kháng thể kháng lậu bằng kháng thể đơn dòng gắn huỳnh quang.
Kỹ thuật PCR.
Tìm IgM bằng ELISA để chẩn đoán lậu ngoài đường sinh dục.
 
Chẩn đoán phân biệt:
Ưu tiên 1: Chlamydia, viêm niêm mạc tử cung, nhiễm trùng đường tiết niệu, xoắn tinh hoàn, viêm âm đạo, viêm họng.
Ưu tiên 2: Viêm khớp dị ứng, viêm khớp nhiễm trùng, viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung, viêm kết mạc không do lậu, viêm nội tâm mạc không do lậu, viêm màng não không do lậu, viêm niệu đạo không do lậu.
 
Điều trị và phòng bệnh:
Nguyên tắc.
Chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ quy định dựa vào tình hình dịch tễ và kháng thuốc tại địa phương.
Điều trị bạn tình.
Trong lúc điều trị nên tránh quan hệ tình dục, tránh gây sang chấn vùng sinh dục.
Nên xét nghiệm HIV, giang mai để phát hiện kịp thời.
Điều trị lậu theo kết hợp điều trị Chlamydia.
Khám định kỳ lâm sàng và kiểm tra tiêu chuẩn khỏi bệnh (kết quả nuôi cấy 2 lần âm tính, cách nhau 2 tuần và không còn biểu hiện triệu chứng lâm sàng).
Phác đồ điều trị: kháng sinh thường dùng: Cefixime, Ceftriaxone (Rocephin), Spectinomycin (Trobicin), Silver nitrate, Erythromycin ophthalmic (Erygel)
Phòng bệnh:
An toàn tình dục: sử dụng bao cao su, chung thủy một vợ một chồng.
Giáo dục truyền thông về tránh lây nhiễm các bệnh STI trong cộng đồng, giáo dục sức khoẻ giới tính học đường.
Tư vấn là vấn đề tế nhị và hết sức quan trọng cho việc điều trị khỏi và phòng lây nhiễm cũng như việc thông báo bạn tình.
 
BS. Lương Trường Sơn.

 





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập