TƯ VẤN

 

VIÊM MÀO TINH HOÀN  

1. Ðịnh nghĩa viêm mào tinh hoàn cấp

  • Là tình trạng viêm đau sưng mào tinh kéo dài <6 tuần .

2. Ðường vào của vi trùng thường gặp nhất trong viêm mào tinh hoàn

  • Ða số các trường hợp la do vi trùng đi xuôi dòng từ niệu đạo, tiền liệt tuyến hoặc bàng quang.
  • Nước tiểu hoặc dịch tiết nhiễm trùng đi vào ống phóng tinh theo ống dẫn tinh đến mào tinh hoàn.

3.Các vi trùng thường gây viêm mào tinh hoàn cấp

  • Ở đàn ông <35 tuổi, viêm niệu đạo do Chlamydiae trachomatis và vi trùng lậu là tương đối phổ biến và cũng chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng viêm mào tinh hoàn ở lứa tuổi này. Ở đàn ông > 35 tuổi, vi trùng trong nước tiểu do hậu quả của sự tắc nghẽn dưới cổ bàng quang là nguyên nhân gây viêm mào tinh hoàn phổ biến. Trường hợp này vi trùng thường gặp là E.coli.

4. Dấu hiệu lâm sàng của viêm mào tinh hoàn cấp

  • Các yếu tố thúc đẩy bao gồm: rặn gắng sức, sinh hoạt tình dục, mắc bệnh lây qua đường tình dục, các thủ thuật ở niệu đạo.
  • Triệu chứng thường gặp nhất là sưng đau bìu ngày càng tăng lan tỏa dọc theo thừng tinh đến bụng dưới. Da bìu đỏ và có thể có tràn dịch tinh mạc phản ứng của quá trình viêm. Sau một thời gian, mào tinh hoàn sẽ sưng to, tạo thành một khối viêm không còn ranh giới rõ rệt với tinh hoàn khi sờ nắn. Bệnh nhân thường có sốt, có dịch tiết ở niệu đạo. Thăm trực tràng có thể phát hiện được viêm tiền liệt tuyến đi kèm. Tuyệt đối không được massage tiền liệt tuyến trong trường hợp này.

5. Phương tiện cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây bệnh

  • Nếu có dịch tiết niệu đạo thì nên lấy nhuộm gram để phát hiện lậu cầu. Nếu trong dịch tiết niệu đạo chỉ thấy bạch cầu thì trường hợp này là viêm niệu đạo không do lậu cầu, nguyên nhân thường gặp nhất là do Chlamydia trachomatis. Luôn luôn phải cấy nước tiểu để xác định vi trùng có trong nước tiểu

6.Chẩn đoán phân biệt các trường hợp bìu sưng đau

  • Quan trọng nhất trong chẩn đoán phân biệt của viêm mào tinh hoàn cấp là xoắn thừng tinh. Ở nam giới trưởng thành, viêm mào tinh thường gặp hơn là xoắn thừng tinh. Trong xoắn thừng tinh, tinh hoàn thường bị kéo lên cao, sờ thấy mật độ cứng, thừng tinh có thể dày lên và khó sờ thấy ở vị trí bên trên mào tinh hoàn. Trong giai đoạn đầu có thể sờ thấy được mào tinh nằm phía trước tinh hoàn, nhưng về sau, quá trình viêm và phù nề sẽ làm cho dấu hiệu này mất đi. Siêu âm Doppler hoặc xạ hình tinh hoàn có thể cho những thông tin hữu ích về tình trạng tưới máu của tinh hoàn, nhưng trong trường hợp dấu hiệu lâm sàng không phù hợp với dấu hiệu cận lâm sàng thì không nên trì hoãn, cần mổ thám sát.
  • Các nguyên nhân khác phải nhớ trong chẩn đoán phân biệt gồm: xoắn mỏm ohụ tinh hoàn, xoắn tinh hoàn do bướu tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn.

7. Các biến chứng có thể gặp của viêm mào tinh cấp

  • Viêm mào tinh có thể gây ra áp xe mào tinh hoàn hoặc áp xe bìu. Một số trường hợp áp xe có thể làm hủy hoại tinh hoàn.

8. Ðiều trị viêm mào tinh hoàn cấp

  • Nghỉ ngơi tại giường
  • Mặc quần lót để nâng bìu lên
  • Có thể chườm lạnh ở bìu để làm giảm phù nề.

Những bệnh nhân viêm mào tinh hoàn do viêm niệu đạo vì các bệnh lây qua đường tình dục có thể được điều trị ngoại trú. Có thể sử dụng ceftriaxon chích trong những ngày đầu, sau đó dùngtetracycline hoặc Doxycicline uống 14- 21 ngày. Phải chữa bệnh cho cả người phối ngẫu.

Bệnh nhân viêm mào tinh hoàn cấp do vi trùng đường ruột có trong nước tiểu phải được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng. Nếu nhiễm trùng nặng, phải nhập viện để điều trị kháng sinh tĩnh mạch. Trong trường hợp nhẹ có thể sử dụng trimethoprim- sulfamethoxazolehoặc Ciprofloxacine trong 28 ngày.

9. Ở những bệnh nhân bị viêm mào tinh cấp. Khi nào cần phải theo dõi về mặt niệu khoa

  • Viêm mào tinh tái đi tái lại có thể có những bất thường niệu khoa đi kèm, vì vậy cần phải làm những chẩn đoán hình ảnh và nội soi bàng quang.
  • Ở trẻ em trai phải lưu ý khả năng có niệu quản lạc chỗ đổ vào mào tinh. Cũng có thể gặp valve niệu đạo sau gây bế tắc đường tiểu dưới đồng thời gây nhiễm trùng niệu tái đi tái lại. Vì vậy, các trường hợp này cần làm nội soi bàng quang và hình ảnh học.

10.Thế nào là viêm mào tinh mạn tính

  • Viêm mào tinh mạn tính xảy ra sau các đợt viêm mào tinh cấp tính tái đi tái lại. Mào tinh hoàn bị sẹo và dãn dài ra, các ống mào tinh bị nghẽn tắc.
  • Một số bệnh nhân có những đợt đau bìu tái đi tái lại, khi khám sờ thấy mào tinh hoàn dày lên, có thể đau hoặc không đau.
  • Nếu viêm mào tinh hoàn mạn tính xảy ra ở hai bên có thể gây vô sinh.

11.   Ðiều trị viêm mào tinh mạn tính

  • Nếu viêm mào tinh mạn tính gây ra bởi các đợt viêm mào tinh cấp tính do vi trùng thì phải điều trị bằng kháng sinh. Trong trường hợp mào tinh bị xơ hóa gây khó chịu thì có chỉ định cắt mào tinh.

PGS TS BS. Trần Lê Linh Phương





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập