TƯ VẤN

TRỨNG CÁ THƯỜNG Ở MẶT

(acne vulgaris)

 

Trứng cá ở mặt là kẻ thù của sắc đẹp, làm cho chúng ta mất tự tin trong giao tiếp, buồn bã, tự ti. Trứng cá thường là những mụn nhỏ, khi nặn những mụn này, xuất hiện một nhân vàng, trông giống trứng của con cá, nên được gọi là bệnh trứng cá.

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là tuổi dậy thì. Tuy nhiên, cũng có người mãi đến 20 - 30 tuổi mới bắt đầu bị mụn. Trong tuổi dậy thì, thường nam bị nhiều hơn nữ, nhưng sau tuổi 23, nữ thường bị nhiều hơn nam.

 

NGUYÊN NHÂN

Mụn trứng cá mọc không phải vì chúng ta ăn đồ “nóng”, hay tại “nóng” trong người. Thức ăn không có tác dụng trong việc gây mụn. Mụn cũng không phải do táo bón, hoặc “nóng gan” mà sinh ra.

Mụn khởi nguồn từ những tuyến bã (sebaceous glands) dưới da. Phía dưới da, ở chân mỗi sợi lông, có một chỗ phình ra gọi là “nang chân lông” (hair follicle). Tuyến bã nối liền với nang chân lông này. Bên cạnh mỗi nang chân lông là một tuyến bã. Dầu được tiết từ những tuyến bã dưới da sẽ theo những ống dẫn ra ngoài da, giữ cho da luôn nhờn, không bị khô.

Vào tuổi dậy thì, khi cơ thể đang tăng trưởng, các kích thích tố (hormones) trong người kích thích những tuyến bã dưới da, khiến chúng tiết ra nhiều dầu. Những tuyến bã dưới da mặt, lưng và ngực bị kích thích nhiều nhất. Do vậy, mụn thường mọc ở những nơi này.

Nhưng dù có nhiều dầu, da vẫn không mọc mụn nếu ống dẫn dầu ra ngoài da được thông thoáng, không tắc. Có giả thuyết cho rằng chất dầu khi tiết ra nhiều, sẽ kích thích tế bào lót lòng ống dẫn, khiến những tế bào này sinh sôi nẩy nở làm nghẹt ống dẫn. Khi ống dẫn dầu bị tắc thì dầu tiết ra sẽ ứ động lại dưới da, tích tụ làm nên cồi, đó chính là mụn.

Nếu chỗ nghẹt nằm sâu dưới da, da cồi lên, tạo ra mụn màu trắng trông như mụn cám (gọi là white heads). Các mụn cám ngày càng tiếp tục to hơn, trồi dần lên mặt da, chúng từ từ hóa đen, thành những mụn đen nằm ngay trên mặt da (gọi là black heads).

Chính môi trường nhiều dầu như ở mặt đã tao điều kiện cho vi khuẩn, nấm,…ký sinh và gây ra hiện tượng viêm. Có một loại vi khuẩn rất nhỏ, tên “Propionibacterium acnes”, biến dưỡng chất dầu thành những chất acids đặc biệt và tạo phản ứng viêm sưng, xuất hiện những mụn tấy đỏ và những mụn mủ, mụn bọc.

Một số yếu tố khác cũng có thể góp phần gây nên mụn ở mặt như: di truyền; các kích thích tố nam trong cơ thể (androgens); da bị chà xát nhiều quá (mạnh tay thoa các mỹ phẩm, nước bôi mặt ngày nhiều lần, chỗ tiếp xúc với quai mũ bảo hiểm, chỗ, ...); da phải tiếp xúc nhiều với chất dầu hoặc mỡ; dùng mỹ phẩm dễ gây mụn (chẳng hạn, những mỹ phẩm có nền là chất mỡ “oil-based”), hoặc dùng các thuốc uống dễ gây mụn (steroids, lithium, thuốc trị lao isoniazid, sinh tố B2, B6, B12, ...).

 

CÁC DẠNG TRỨNG CÁ THƯỜNG

Mụn mặt có nhiều dạng, tùy mức độ nặng nhẹ. Nhẹ nhất là sự xuất hiện của những mụn cám trắng nhỏ (white heads) trên nền da dầu.

Cũng có mụn cám mang một đầu đen nhìn thấy ngay trên da (black heads).

Dạng hay xảy ra hơn là những mụn sưng lên, tấy đỏ ở khắp mặt. Xen lẫn các mụn đỏ này có những mụn mủ, hay nặng hơn nữa, những mụn bọc.

Không chữa trị, nhiều mụn tiếp tục xuất hiện, tàn phá da mặt, biến da mặt phẳng mịn thành những sẹo, hang ổ, cái to, cái nhỏ (acne pits). Những trường hợp nặng, sẹo lõm to, khiến. Ngược lại, có khi những sẹo do mụn gây ra lại phình to, săn cứng, như những con sâu nằm ngang dọc trên mặt (keloidal scars).

Da mặt nhiều người bị mụn nám đi, đặc biệt ở người có nước da tối, bánh mật.

 

ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH

Bệnh dạng mụn cám

Hiện có các thuốc hay được dùng để chữa bệnh dạng mụn cám: tretinoin (Retin-A), isotretinoin (Avage, Tazorac), adapalene (Differin), thoa ngày 1 lần tối trước khi ngủ. Khi mới dùng, thuốc có thể gây phản ứng ngứa, đỏ. Nếu vậy, ta thoa cách ngày (tối thoa tối nghỉ) cho đến khi da quen dần với thuốc và không còn bị phản ứng, có khi phải mất đến 8-12 tuần dùng thuốc, da bạn trông mới khá, ít mụn hơn.

Những người bị phản ứng với các thuốc trên, ta có thể thử thuốc salicylic acid hoặc azelaic acid, salicylic acid thường được pha trong một số nước bôi, sà bông rửa mặt như: neutrogena acne, acne, ...

 

Dạng mụn tấy đỏ nhẹ

Hầu hết những trường hợp mụn tấy đỏ nhẹ sẽ bớt với thuốc thoa chứa chất benzoyl peroxide (Benzagel, Benzac, Desquam-X, Xerac, Persadox, ...), hoặc với sự phối hợp hai thuốc dùng.

Thuốc chứa chất benzoyl peroxide có tác dụng chống vi trùng rất mạnh, khiến các vi khuẩn p. acnes ở da hết hoạt động, không tạo được những chất acids gây phản ứng viêm sưng cho da. Nhờ vậy, các mụn đỏ của bệnh sẽ từ từ bớt dần. Thuốc có thể gây phản ứng ở chỗ thoa thuốc như ngứa, đỏ hoặc làm da tróc vảy. Nếu da chỉ hơi đỏ và tróc chút ít, ta thử tiếp tục dùng thuốc, thường các phản ứng sẽ bớt dần. Thuốc thoa ngày 2 lần, song dùng thuốc ngày một lần hoặc cách ngày sẽ ít bị phản ứng hơn.

Các thuốc kháng sinh thoa như Clindamycin, Erythromycin, v.v., cũng diệt các vi trùng P. acnes. Nhiều trường hợp cần sự chữa trị phối hợp: thoa thuốc chứa chất benzoyl peroxide buổi tối, thoa thêm thuốc kháng sinh vào buổi sáng (hoặc thoa thuốc chữa bệnh dạng mụn cám buổi tối, thoa thuốc chứa chất benzoyl peroxide buổi sáng). Các thuốc thoa tổng hợp chứa chất benzoyl peroxide lẫn chất kháng sinh Erythromycin hoặc Clindamycin rất tốt.

 

Dạng mụn tấy đỏ nặng

Những trường hợp mụn nặng, ngoài thuốc thoa, cần thêm cả thuốc kháng sinh uống (từ 12 đến 18 tuần, có khi lâu hơn): tetracycline, doxycycline, minocycline, erythromycin, trimethoprim-sulfamethoxazole, clindamycin (không nên dùng Tetracycline cho người đang mang thai, hoặc trẻ em dưới 10 tuổi, vì thuốc có thể làm vàng những răng đang mọc).

Với những trường hợp mụn quá nhiều, quá nặng, qua nhiều lần chữa trị vẫn không bớt, có thể phải dùng đến Accutane. Accutane khác với những thuốc đã kể trên, vì nếu được dùng đủ lượng và đủ thời gian (thường cần 20 tuần), sẽ làm mụn biến mất một thời gian khá dài, có khi 2 năm hay hơn.

Một số thuốc ngừa thai, như Tri-Levlen, Ortho-Tri-Cyclen, cũng được nhận thấy có tác dụng chống mụn rất tốt. Tất nhiên, thuốc chỉ dành cho phái nữ.

Ngoài những cách chữa kể trên bằng thuốc thoa và thuốc uống, còn một số trị liệu khác dùng trong một ít trường hợp đặc biệt, chẳng hạn tiêm steroid vào những mụn bọc, lột da bằng tia cực tím (ultraviolet), nhìn chung, một khi đã bị sẹo, điều trị sẹo thường rất khó và không mấy thành công.

Cách điều trị mới rất đắt, bằng tia Laser và bằng ánh sáng xanh (blue light therapy) cũng đang được ứng dụng trong y học để điều trị mụn trứng cá.

 

Những điều cần lưu ý

Mụn mặt là bệnh kéo dài nhiều tháng năm, lúc nhiều lúc ít. Chữa trị thường hữu hiệu, kiểm soát được căn bệnh, song không chữa khỏi hẳn bệnh. Sự chữa trị cần kiên nhẫn, kéo dài một thời gian lâu, dù da mặt bạn đã láng lẩy, sạch mụn. Thuốc tretinoin có thể dùng về lâu về dài để ngừa mụn mọc lại (tuy nhiên phụ nữ mang thai không dùng được thuốc này).

Khi chữa, kết quả thường không thấy rõ trong 3 đến 6 tuần đầu, và có khi mất đến vài tháng, bạn và bác sĩ mới xoa tay hài lòng. Thường phải phối hợp nhiều thuốc.

Mụn trứng cá ở mặt không do ở bẩn, do vậy kỳ cọ cả ngày chỗ bị mụn sẽ khiến tình trạng nặng thêm. Chỉ nên dùng mấy đầu ngón tay xoa rửa nhẹ chỗ có mụn. Các chất nước hoặc sà phòng rửa mặt như Cetaphil, Dove Sensitive Skin Bar, rửa ngày 2 lần với nước ấm, giúp da đỡ khô, tróc, khó chịu.

Đừng nặn, ngắt mụn, chúng sẽ sưng to hơn và dễ thành sẹo.

Tránh dùng những mỹ phẩm hoặc nước bôi da dùng mỡ làm nền (oil-based cosmetics and moisturizers), có thể làm nảy thêm các mụn cám.

 

BS. Lương Trường Sơn





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập