TƯ VẤN

 

NHIỄM TRÙNG NIỆU Ở PHỤ NỮ   

1.Thế nào là nhiễm trùng niệu: Nhiễm trùng niệu là tình trạng viêm đường tiết niệu gây ra bởi một tác nhân gây nhiễm, thường gặp nhất là do vi trùng. Cấy nước tiểu có >105 khóm vi trùng/ml.

2. Phân loại nhiễm trùng niệu: Có nhiều cách phân loại: có thể phân loại theo tác nhân gây nhiễm trùng; nhiễm trùng niệu trên hoặc nhiễm trùng niệu dưới; nhiểm trùng tiểu lần đầu, tái nhiễm (cùng một tác nhân gây bệnh với lần nhiễm trước) hoặc tái phát (tác nhân gây bệnh mới); nhiễm trùng niệu có biến chứng hoặc nhiễm trùng niệu không có biến chứng.

  • Nhiễm trùng niệu không có biến chứng là nhiễm trùng niệu không kèm sốt xảy ra trên một dường tiết niệu bình thường.
  • Nhiễm trùng niệu có biến chứng là nhiễm trùng xảy ra trên một đường tiết niệu có bất thường hoặc viêm thận- bể thận
  • Ða số nhiễm trùng niệu ở phụ nữ là nhiễm trùng niệu dưới không biến chứng, chủ yếu là viêm bàng quang do vi trùng.

3. Triệu chứng của viêm bàng quang cấp và viêm thận- bể thận cấp

  • Viêm bàng quang cấp thường có triệu chứng tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu gấp, nước tiểu đục, có mùi hôi, tiểu mủ, tiểu máu, nước tiểu có vi trùng.
  • Viêm thận bể thận cấp thường có sốt, lạnh run, đau hông lưng kèm theo các triệu chứng của viêm bàng quang.

4. Chẩn đoán nhiễm trùng niệu

  • Triệu chứng cơ năng
  • Triệu chứng thực thể
  • Soi tươi nước tiểu dưới kính hiển vi
  • Cấy nước tiểu

5. Cách lấy nước tiểu để cấy

  • Lấy nước tiểu sạch giữa dòng. Nếu không lấy nước tiểu bằng cách này được thì phải lấy nước tiểu bằng chọc hút trên xương mu

6. Các vi trùng thường gặp trong nhiễm trùng niệu ở phụ nữ

  • E. coli là tác nhân gây ra 70- 85% nhiễm trùng niệu mắc phải trong cộng đồng ở phụ nữ lứa tuổi sinh sản
  • Staphylococcus saprophyticus là nguyên nhân thứ hai chiếm tỷ lệ 10- 20%
  • Các tác nhân còn lại chủ yếu là trực trùng gram âm đường ruột

7. Con đường lây nhiễm chủ yếu trong nhiễm trùng niệu ở phụ nữ

  • Phổ biến nhất là nhiễm trùng ngược dòng từ niệu đạo. Do phụ nữ có niệu đạo ngắn và có nhiều vi trùng đường ruột thường trú ở hội âm và âm đạo nên phụ nữ thường dễ bị nhiễm trùng niệu qua con đường ngược chiều này.
  • Một số trường hợp hiếm hơn có thể nhiễm trùng qua đường máu (lao niệu), qua đường bạch mạch và qua lan truyền trực tiếp từ các cơ quan lân cận (bệnh viêm đại tràng, dò.)

8. Ðiều trị nhiễm trùng niệu ở phụ nữ

  • Ở bệnh nhân viêm bàng quang cấp tính do vi trùng, sau khi lấy nước tiểu gởi đi cấy, nên bắt đầu điều trị bằng kháng sinh phổ rộng nhạy với các chủng vi trùng đường ruột 3- 5 ngày.
  • Ở bệnh nhân viêm thận- bể thận cấp, phải bắt đầu ngay lập tức bằng kháng sinh phổ rộng sau khi cấy nước tiểu. Nếu các triệu chứng không rầm rộ thì có thể điều trị ngoại trú bằng kháng sinh uống, nhưng nếu triệu chứng nặng thì phải nhập viện để điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch

9. Ðiều trị nhiễm trùng niệu tái phát ở phụ nữ

  • Nhiễm trùng niệu tái phát được chia thành: tái phát thường xuyên (3 lần/ năm) và tái phát không thường xuyên (<3 lần/ năm)
  • Trường hợp tái phát không thường xuyên thì mỗi lần tái phát có thể coi như một đợt nhiễm trùng mới và điều trị bằng kháng sinh ngắn ngày.
  • Nếu tái phát thường xuyên, bệnh nhân phải được truy tìm các nguyên nhân tiềm ẩn thúc đẩy tái nhiễm. Nếu không tìm thấy nguyên nhân đặc hiệu nào thì phải sử dụng kháng sinh dự phòng liều thấp tối thiểu là 6 tháng. Thuốc thường dùng là Nitrofurantoin (50- 100mg) hoặctrimethoprim/ sulfamethoxazole (80/400 mg). Vai trò của kháng sinh dự phòng không phải để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát mà là để loại trừ những vi trùng thường trú ở hội âm.

10.Biến chứng của nhiễm trùng niệu nếu không điều trị

  • Nếu không điều trị nhiễm trùng niệu sẽ gây ra trào ngược bàng quang- niệu quản, viêm thận- bể thận ngược chiều, tổn thương nhu mô thận. Trường hợp nặng có thể chóang nhiễm trùng và tử vong

11.   Thế nào là khả năng kết dính của vi trùng

  • Một số vi trùng có khả năng kết dính vào niệu mạc bàng quang nhờ vào fimbriae (pili). Pili nằm trên bề mặt của vi trùng và nhận biết được một số thụ thể đặc hiệu trên bề mặt biểu mô.
  •  Các pili được phân loại dựa vào khả năng ngưng kết hồng cầu và khả năng sử dụng đường để ức chế sự ngưng kết này.
  • Sự kết dính của vi trùng được chia thành hai loại: nhạy với mannose (ức chế bởi mannose) và kháng với mannose (sự kết dính không bị ức chế bởi manose). Sự kết dính nhạy với mannose được điều khiển bởi pili loại 1, có khả năng ngưng kết hồng cầu của heo guinea. Pili loại 2 kháng với mannose và có khả năng ngưng kết hồng cầu người. Fimbriae loại 1 có ở hầu như tất cả các chủng E. coli và kết dính vào niêm mạc âm đạo, niêm mạc má nhưng không kết dính vào niệu mạc. Fimbriae loại 2 (cụ thể là P fimbriae) tương tác với thụ thể có chứa disaccharide (chất disaccharide này là một phần của chuỗi oligosaccharide của kháng nguyên nhóm máu P) trên bề mặt niệu mạc, kết dính vào niệu mạc và chỉ hiện diện ở một số chủng E. coli. P fimbriae gắn kết vào kháng nguyên nhóm máu P + và hiện diện ở trên hồng cầu và niệu mạc ở những bệnh nhân P+. Những vi trùng có P fimbriae thường gây ra nhiễm trùng niệu. Khoảng 30% phụ nữ có kháng nguyên nhóm máu P+. E. coli có pili P là tác nhân của 90% các trường hợp viêm thận- bể thận và 20% các trường hợp viêm bàng quang.

12.  Khi nào nhiễm trùng niệu cần phải theo dõi chi tiết hơn

  • Nếu nhiễm trùng đáp ứng kém với điều trị, nhiễm trùng tái phát, cấy ra những vi trùng lạ nghi ngờ có một bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của đường tiết niệu thì cần phải theo dõi thêm.
  • Cần theo dõi bằng UIV (để đánh giá cấu trúc, chức năng của hệ niệu và để loại trừ sỏi niệu). Tuỳ thuộc vào kết quả của UIV mà phải làm thêm siêu âm, chụp điện toán cắt lớp, xạ hình thận, chụp bàng quang có cản quang lúc rặn tiểu, soi bàng quang, UPR.

13.   Ðiều trị nhiễm trùng niệu ở phụ nữ có thai

  • Tất cả những trường hợp có triệu chứng hoặc không có triệu chứng ở phụ nữ có thai đều phải điều trị với kháng sinh thích hợp như: cephalosporine, aminopenicilline, nitrofurantoin.

14.   Thế nào là viêm bàng quang sau giao hợp

  • Nguyên nhân là do sự chà xát liên tục lên niệu đạo trong lúc giao hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi trùng khu trú quanh niệu đạo đi ngược chiều vào trong bàng quang. Hiện tương này có thể giảm đi đáng kể nếu đi tiểu sau giao hợp hoặc kháng sinh dự phòng một liều đơn sau giao hợp.

PGS TS BS. Trần Lê Linh Phương





Facebook
Email: dalieudongdieu@gmail.com
dalieuvietnam@gmail.com

Sơ Đồ Đường Đi

Tìm Kiếm

TỪ ĐIỂN

TÌM HIỂU DA CỦA BẠN

Liên Kết Website



BỘ Y TẾ
BỘ Y TẾ - CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
BV Da liễu trung ương Quy Hòa
BV Da liễu TP.HCM
BV Da liễu Trung Ương
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn
Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung Ương

Quảng Cáo

Liên Hệ: 0913.407.557
Quảng cáo
Quảng cáo

FACEBOOK

Số Lượng Truy Cập